Gửi bạn, người có trái tim vô cùng nhạy cảm - Jeon Hong Jin
Câu chuyện về trái tim dưới góc nhìn khoa học não bộ và tâm thần học
Ông nghiên cứu về sự khác biệt trong mô hình trầm cảm giữa người phương Tây và người Hàn Quốc, và đưa ra phương pháp thử nghiệm lâm sàng trong cuốn sách này, đây cũng là cuốn sách đầu tiên được xuất bản dưới dạng thực hành tự do cho công chúng.
Trong cuốn sách này giáo sư Jeon Hong Jin muốn gửi gắm đến bạn đọc những người đem trong mình trái tim “vô cùng nhạy cảm” rằng:
Chúng ta đều sống chung trong một thế giới, nhưng mỗi người lại có một cuộc đời riêng và mang trong mình những câu chuyện riêng. Trong vai trò bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện Đại học, tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với hàng chục ngàn người đến bệnh viện. Nhờ đó tôi mới biết được rằng có những câu chuyện còn li kì hơn cả phim điện ảnh, và có những câu chuyện khiến tôi mong đợi được tiếp tục lắng nghe hơn cả chờ một bộ phim truyền hình ra thêm tập mới. Tôi cũng nhận ra rằng trọng tâm của những câu chuyện ấy chính là ‘trái tim vô cùng nhạy cảm’. So với người bình thường, bệnh nhân của tôi luôn tỏ ra nhạy cảm thái quá với những sự việc nhỏ nhặt và không dễ dàng vượt qua. Tôi cũng đã từng gặp nhiều người không phải trong tư cách bệnh nhân, ngược lại còn là những nhân vật rất thành công trong xã hội, hoặc đạt được thành tựu to lớn trong lĩnh vực của mình. Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là phần lớn những người ấy đều ‘cực kỳ nhạy cảm’. Nếu nói về sự khác biệt giữa hai nhóm người ngày, thì có lẽ là dù cùng phải chịu khổ sở bởi sự nhạy cảm thái quá, nhưng có người biết tìm ra cách thích hợp để điều chỉnh và nắm bắt được sự nhạy cảm của mình, có người thì không. ‘Người cực kỳ nhạy cảm’ dù đạt được thành công, sống cuộc đời bình thường, hay phải đến bệnh viện tâm lý, thì họ đều có một điểm chung là rất mẫn cảm với các mối quan hệ xã hội và có cuộc sống khó khăn, mệt mỏi hơn người khác. Nhiều người hỏi tôi rằng, có cuốn sách nào hữu ích cho ‘người cực kỳ nhạy cảm’ hay không. Họ đề nghị tôi giới thiệu một vài cuốn sách hay cho bản thân và gia đình. Tôi đã đọc thử nhiều cuốn sách, nhưng thực tế những nội dung ấy mang tính kích động nhiều hơn là hỗ trợ người nhạy cảm quản lý cảm xúc của mình. Những cuốn sách ngoại văn được viết bởi tác giả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản được biên dịch lại không ít, nhưng phần lớn đều không phù hợp với đời sống tình cảm và phong tục tập quán của người Hàn Quốc và người Châu Á. Vậy nên tôi đã đi đến quyết định xuất bản một cuốn sách khiến tâm hồn nhạy cảm trở nên thư thái, bình yên hơn một chút, như thể người bạn ngồi bên cạnh kể cho ta nghe một vài câu chuyện thú vị. Tôi không đưa vào đây câu chuyện của những bệnh nhân với triệu chứng quá nặng. Đối tượng cuốn sách này hướng tới là những người nhạy cảm thái quá mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu xung quanh cuộc sống của mình. Trong số 40 câu chuyện tôi sắp kể ra đây, tỷ lệ đối tượng là nữ giới sẽ cao hơn một chút. Lý do là bởi trong mối quan hệ với người khác, nữ giới có xu hướng phản ứng một cách mẫn cảm và để tâm đến nhiều chi tiết vụn vặt hơn nam giới. Đọc những dòng chữ này xong, có thể sẽ có độc giả cho rằng những câu chuyện này hoàn toàn chẳng liên quan gì đến mình. Nhưng nếu vừa đọc vừa nhớ đến những người nhạy cảm thái quá ở xung quanh mình, thì tôi tin cuốn sách này sẽ giúp bạn phần nào hiểu được thái độ và hành động của họ. Để hiểu được tình trạng chi tiết của từng cá nhân thì chắc chắn ta nên đến tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa sức khỏe thần kinh. Mong các bạn đừng chỉ đọc sách rồi tự chẩn đoán và đưa ra các quyết định về mặt y học cho bản thân mình. Cuốn sách này được viết ra với hy vọng giúp độc giả mở rộng góc nhìn về sự nhạy cảm của bản thân, bạn đời, bạn bè và gia đình.