Giao tiếp bất bạo động - Ngôn ngữ của lòng trắc ẩn
GIAO TIẾP BẤT BẠO ĐỘNG (Nonviolent Communication)
Bối cảnh cuộc sống ngày nay có đầy những sự xung đột, mâu thuẫn giữa các cá nhân, giữa các nhóm và giữa các quốc gia. Một trong những lý do chính của việc này nằm ở những lời nói mà chúng ta sử dụng mỗi ngày. Tiến sĩ Marshall Rosenberg, tác giả của cuốn sách, viết như sau: “Bạn có thể nghĩ rằng chỉ hành vi thể xác mới dẫn đến “bạo lực”, nhưng chính ngôn từ chúng ta sử dụng hàng ngày mới là thứ gây ra nhiều đau khổ và tổn thương nhất, cả cho người khác và cho chính mình.” Từ sự quan sát này, ông đã phát triển mô hình Giao tiếp bất bạo động (Nonviolent Communication), giúp chúng ta ý thức và chuyển hóa cách suy nghĩ và giao tiếp của mình.
Nói ngắn gọn, Giao tiếp bất bạo động là ngôn ngữ của lòng trắc ẩn nhằm giúp bạn cải thiện khả năng giao tiếp và chất lượng mối quan hệ với bản thân và với người khác. Trong cuốn sách này, bạn sẽ học cách nhận biết những suy nghĩ, cảm xúc, nhu cầu của bản thân, và bày tỏ chúng với sự chân thành và tôn trọng. Đồng thời, bạn cũng sẽ học cách lắng nghe những cảm xúc và nhu cầu đằng sau mọi thông điệp của người khác, dù cho những thông điệp đó có khó nghe như thế nào đi nữa. Từ đó, bạn có thể cùng người khác giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn một cách hiệu quả hơn rất nhiều.
Tác giả của cuốn sách, tiến sĩ Marshall Rosenberg, là người đã phát triển và giảng dạy Giao tiếp bất bạo động cho hàng chục ngàn người tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại những vùng lãnh thổ đang bị chiến tranh tàn phá như Nigeria, Sierra Leone và khu vực Trung Đông. Ông đã làm việc không mệt mỏi với những nhà giáo dục, quản lý doanh nghiệp, chuyên gia chăm sóc sức khỏe, luật sư, cảnh sát, sĩ quan quân đội, quản lý nhà tù, tù nhân, quan chức chính phủ và những gia đình. Với Giao tiếp bất bạo động, ông đã cho chúng ta thấy một hướng đi rõ ràng để kiến tạo một thế giới hòa bình và hạnh phúc hơn.
Tính đến nay, cuốn sách Giao tiếp bất bạo động đã được phát hành hơn 3,000,000 bản với hơn 35 ngôn ngữ. Nó được đánh giá rất cao bởi những chuyên gia về sức khỏe tinh thần, những chuyên gia về mối quan hệ, những chính trị gia, những nhà điều hành doanh nghiệp. Đặc biệt, cuốn sách được xem là đã góp phần chuyển hóa văn hóa của tập đoàn Microsoft cách đây vài năm, từ sự thù địch sang sự hợp tác. Satya Nadella, tổng giám đốc Microsoft, viết về cuốn sách như sau: “Khi mới đảm nhận vị trí Tổng Giám Đốc của Microsoft, một trong những việc đầu tiên mà tôi làm là đề nghị các thành viên Ban Lãnh Đạo đọc Giao tiếp bất bạo động, vì tôi muốn mọi người phát triển sự đồng cảm với nhau, một yếu tố quan trọng để giao tiếp và hợp tác hiệu quả.”.