Tâm lý học trong đời sống
Bạn mệt mỏi với các mối quan hệ xã hội. Bạn thấy mình kém cỏi và vô dụng. Ban thấy cuộc sống quá áp lực và đầy rẫy sự cạnh tranh. Bạn phải gồng mình mỗi ngày để đuổi kịp người khác. Đây là những điều mà bạn, tất cả chúng ta và cả nhân vật chính Ryo trong cuốn sách này phải đối mặt hằng ngày.
Thế nhưng, không chìm vào suy nghĩ tiêu cực, Ryo đã tìm được lối thoát để thay đổi tư duy. Anh nhận thức được giá trị của bản thân, dám trở nên khác biệt, can đảm vượt lên những đánh giá của người khác để tự do và hạnh phúc. Chìa khóa cho sự lột xác là vì Ryo đã biết đến tâm lý học Adler, tìm hiểu và ứng dụng các yếu tố tâm lý cá nhân vào thực tiễn đời sống.
Cuốn sách là câu chuyện chân thật của nhân vật Ryo, một nhân viên văn phòng với những lo lắng thường nhật mà mỗi chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy điểm tương đồng. Cuốn sách là hành trình đi tìm lời giải cho những bế tắc trong cuộc sống và công việc của Ryo cũng như cho tất cả chúng ta. Vậy, tâm lý học Adler hay tâm lý học cá nhân là kim chỉ nan cho Ryo trong cuốn sách này là gì và làm thế nào để chúng ta ứng dụng lý thuyết này vào thực tiễn cuộc sống?
Alfred Adler (1870-1937) là một nhà tâm lý học hoạt động cách đây khoảng 100 năm, giữa Thế chiến thứ nhất và ngay trước khi Thế chiến thứ hai bắt đầu. Mặc dù ông gần như không được biết đến ở Nhật Bản trong một thời gian dài, nhưng ở châu Âu và Hoa Kỳ, ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi cùng với Sigmund Freud và Carl Gustav Jung. Rất khó để nói về tâm lý học Adler chỉ trong một từ, nhưng có lẽ “lòng can đảm” và “ý thức cộng đồng” là hai khái niệm cốt lõi không có gì để nghi ngờ.
Cuốn sách này sẽ phát triển câu chuyện gồm cấu trúc hai phần cốt lõi, là “lòng can đảm” và “ý thức cộng đồng” với các từ khóa khác có liên quan. Nửa đầu của cuốn sách này nói về “lòng can đảm”. Và nửa sau tập trung vào “ý thức cộng đồng”. Chỉ hai từ khóa đơn giản của Adler đã giúp chúng ta đến một cuộc sống hạnh phúc, giống như hai bánh của một chiếc xe ô tô.
“Cuộc sống vốn dĩ không phức tạp. Chính bạn đang làm cho cuộc sống của bạn phức tạp.” Như Adler đã nói, cuộc sống vô cùng đơn giản. Tâm lý học Adler là một tâm lý học liên quan đến các mối quan hệ giữa các cá nhân và lấy việc nuôi dạy con cái làm trọng tâm. Lời dạy đó cũng đã đưa ra những chỉ dẫn to lớn cho các mối quan hệ giữa các cá nhân trong các tổ chức, doanh nghiệp mà nhiều người trong chúng ta đang tham gia.
Tâm lý học Adler còn được gọi là “tâm lý học của lòng can đảm”. Người ta thường sẽ chọn những hành động “có lợi” như nỗ lực, học hỏi, hợp tác để vượt qua khó khăn nếu có can đảm, và khi người ta không đủ can đảm sẽ chọn những hành động “vô ích” để thoát khỏi khó khăn bằng một cách dễ dàng hơn. Họ sẽ lấy cớ để tấn công và đổ lỗi cho người khác, hơn nữa còn né tránh những mối quan hệ cũng như né tránh khó khăn.
Dựa trên kinh nghiệm của chính Adler, có hai điều quan trọng về lòng can đảm. “Tôi chỉ có thể can đảm khi tôi nghĩ mình có giá trị. Tôi nghĩ mình có giá trị chỉ khi những hành động của tôi hữu ích đối với những người xung quanh.”
Nếu bạn kết nối hai điều này, nó sẽ có ý nghĩa như sau. Khi một người nhận ra rằng bản thân có thể đóng góp cho những người xung quanh họ, họ nhận ra rằng mình có giá trị và họ cũng sẽ có can đảm.
Ở đây, có thể tóm lược đó là suy nghĩ và hành động “muốn cống hiến cho những người xung quanh” hay nói cách khác là “ý thức cộng đồng”. Qua đó thấy được “sự can đảm” và “ý thức cộng đồng” là hai từ khóa tồn tại độc lập, song song với nhau, đồng thời chúng cũng có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Ở phần sau của cuốn sách, nhân vật chính, Ryo đã nhận ra điều này. Sự trưởng thành của con người bắt đầu từ “lòng can đảm”. Nhân vật Ryo đã can đảm để thay đổi và tạo được những bước ngoặt trong cả công việc và đời sống cá nhân? Vậy còn bạn thì sao? Liệu bạn có làm được điều tương tự?
“Đừng giết chết những cảm xúc tiêu cực. Đừng miễn cưỡng ép bản thân giả vờ là tích cực. Hãy nhìn vào điểm tiêu cực của bản thân. Và trên hết, hãy nhìn vào mặt tích cực lâu hơn.
Sự tập trung tích cực của tâm lý học Adler là trao sự chú ý đến “việc bạn đã hoặc có thể làm” thay vì “việc bạn đã hoặc không thể làm”.