Khổng Tử với luận ngữ
Cuốn sách Khổng Tử với Luận ngữ giúp bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu tinh hoa của nền cổ điển Trung Hoa.
Luận Ngữ là bộ sách kinh điển của Nho gia được biên soạn vào khoảng đầu thời kỳ Chiến Quốc, ghi lại những lời nói và việc làm của Khổng Tử cùng một số môn đồ khác. Phái Tăng Tử cùng với các môn đệ góp nhặt những lời giảng dạy của Khổng Tử xếp thành sách để truyền lại cho đời sau. Sách này do các môn đệ của Khổng Tử ai nhớ được điều gì thì chép ra, rồi góp lại mà thành, cho nên không có thứ tự gì cả. Có chỗ là đồng môn với Tăng Tử chép ra, có chỗ lại là học trò của Tăng Tử và Hữu Tử chép thêm vào. Vì thế các học trò của Khổng Tử đều để chữ Tử lên trên tự, như: Tử Lộ, Tử Trương, Tử Du, Tử Hạ, Tử Cống… duy chỉ có Tăng Tử và Hữu Tử thì để chữ Tử xuống dưới tên của mình, là để tỏ lòng tôn kính.
Trong sách Luận Ngữ cùng một chữ Nhân, chữ Hiếu, chữ Chính, mà mỗi nơi nói mỗi khác, là do phương pháp giảng dạy của Khổng Tử tùy tư cách, tùy trình độ của từng người mà dạy bảo, cho nên nghĩa không giống nhau. Về hình thức, sách Luận Ngữ không có trật tự phân minh. Toàn bộ sách chia thành hai mươi thiên, tên của các thiên đều lấy hai chữ đầu câu nói của Khổng Tử để đặt chứ không có ý nghĩa gì.